Tương truyền, năm 1781, một hương chức thôn hội làng Thắng Tam đã dựng nên miếu Bà trên Hòn Bà để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển. Năm 1939 một sỹ quan người Pháp tên Archi-nard cho bắn bể miếu nhưng chỉ có một phát trúng vào góc miếu. Viên sĩ quan này đã bỏ mạng tại đây do một lần bất cẩn khi dùng súng. Vì vậy người Pháp đặt tên cho hòn đảo là Archi-nard, nhưng người dân Vũng Tàu vẫn quen gọi tên là miếu Hòn Bà. Sau này một người ở Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp đã đứng ra quyên góp tiền của để sửa chữa ngôi miếu vào năm 1971. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa miếu Hòn Bà mới có hình dạng như hiện nay với chiều cao nổi trên mặt đất là 4m; bên trong là điện thờ các vị thần linh; bên dưới có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m. Đây từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào chiến sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến.( BRVT )
Miếu Bà
Hiện nay, mọi hoạt động liên quan đến việc cúng tế tại miếu Hòn Bà đều do Ban quản lý di tích đình thần Thắng Tam điều hành. Vì vậy, miếu Bà thực chất là một thành phần gắn liền với đình thần Thắng Tam. Mỗi năm miếu Hòn Bà tổ chức cúng 4 lễ, dựa theo con nước, gồm: tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch). Riêng trong tháng Giêng - tháng hành hương lễ chùa đầu năm - người dân địa phương và du khách thập phương đến viếng miếu đông hơn hẳn. Những ngày nước đầy, du khách có thể đi ghe, đi thuyền ra thăm miếu. Nhưng thú vị hơn cả là cảm giác đi bộ ra đảo. Trong hai ngày 14 và 15 âm lịch hàng tháng, thủy triều rút sâu vào buổi chiều, một con đường đá gập ghềnh lộ ra, người hành hướng viếng miếu có thể gửi xe ở bãi Thùy Vân đi bộ xuống bãi tắm hướng về chân dốc Nghinh Phong và men theo lối đá để đến miếu Hòn Bà. Đoàn người nối đuôi nhau đông đúc nhưng không hề chen lấn, ai cũng như được trút bỏ những bực dọc, lo toan thường ngày để lòng nhẹ nhàng, thành kính khi viếng bà.( BRVT )
Hòn Bà một buổi bình minh